Có một chủ đề được bình luận khá nhiều trong thế giới Blog mà mình đã thấy nó từ lúc mới chập chững gia nhập và tới nay đã gần 3 năm nhưng chủ đề đó vẫn còn gây tranh cãi khá nhiều, đó là sự quan trọng của Category và Tag trong Blog. Tag và Category khác nhau như thế nào? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình SEO cho Blog? Sử dụng bao nhiêu tag trong bài viết là hợp lý? Và còn rất nhiều câu hỏi nữa xoay quanh giữa Tag và Category.
Chủ đề này cũng đã từng được bàn tán khá nhiều trong các diễn đàn, những lý thuyết cũng được đưa ra nhằm củng cố kiến thức về tầm ảnh hưởng của Tag với SEO, nhưng thực tế khi mình xem qua rất nhiều nguồn bài viết thì vẫn chưa tìm ra câu hỏi thỏa đáng. Vì vậy sau một thời gian ngắn tổng hợp kiến thức của mình về chủ đề này, mình xin đưa ra một chút ý kiến cá nhân về cách sử dụng Tag và tầm ảnh hưởng của nó đối với SEO. Hy vọng với bài viết tổng hợp này bạn sẽ có một cái nhìn tổng quát hơn về Tag trong Blog, từ đó có thể điều chỉnh blog của bạn theo ý kiến cá nhân.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, mình xin phép nói sơ qua về Tag và Category và sự khác biệt của chúng để cho những người mới tìm hiểu có cơ hội dễ tiếp cận bài viết hơn. Trong Blog, Tag và Category được hiểu đều là những chức năng phân loại và sắp xếp bài viết để người dùng dễ dàng điều hướng đến nội dung cần đọc.
Sự khác nhau giữa Tag và Category trong Blog
Category nghĩa là một nhóm bao quát chứa các bài viết trong blog. Nó giống như những cái cặp giấy và các tờ giấy là những bài viết được chứa ở trong đó. Category có thể được phân cấp, tức là một Category có thể bao gồm nhiều Category nhỏ khác ở trong.
Tag nghĩa là một phép phân loại đặc biệt của bài viết để mô tả cụ thể các chủ đề liên quan. Nếu ta xem Category là cặp sách, bài viết là giấy thì Tag cũng được xem là những cái kẹp giấy để kẹp một số bài viết có liên quan lại với nhau.
Một ví dụ dễ hiểu hơn là giả sử bạn có một blog về các món ăn, trong blog ta có các category như Điểm tâm sáng, Điểm tâm tối. Sau đó ta viết một bài viết về chủ đề Điểm tâm sáng và đặt chúng vào category Điểm tâm sáng, nhưng ở trong bài viết đấy ta sẽ có một số tag như ăn mặn, ăn ngọt, cafe sáng..v.v.v..Và cứ mỗi bài viết chúng ta đều sử dụng tag thì khi khách xem bài viết, nếu họ muốn xem các bài viết nói về đồ ăn mặn thì họ sẽ truy cập vào tag ăn mặn, từ đó các bài viết mà các bạn đặt tag là ăn mặn sẽ hiển thị ra.
Một sự khác biệt rõ ràng nhất đó là bạn phải chọn một category bất kỳ khi viết bài, còn Tag thì tùy ý thêm vào. Nếu không chọn Category cho bài viết thì bài viết đó sẽ tự động được đưa vào một category mang tên “Uncategorized”.
Thêm một sự khác biệt giữa Tag và Category nữa đó là cấu trúc liên kết mặc định của nó khác nhau. Nếu bạn có sử dụng Permalinks cho blog thì mặc định Tag và Category có cấu trúc như sau:
yourexample.com/tag/tên-tag
yourexample.com/category/tên-category
Sử dụng bao nhiêu category cho một bài viết là hợp lý?
Chúng ta phải hiểu Category nghĩa là một chức năng phân loại chính cho bài viết, vì thế một bài viết chi nên sử dụng tối thiểu là 1 category và nhiều nhất là 3 category. Vì sao? Vì bạn đã có chức năng Tag rồi, bạn có thể thêm chi tiết phân loại vào đó thay vì tạo nhiều Category khác nhau rồi sau đó là mỗi Category chỉ đều có vài bài. Ví dụ như bạn đang đăng một bài về cách sử dụng mạng xã hội, không lẽ bạn tạo nhiều category con bao gồm “Facebook, Twitter, Google+, Zing,…v.v…”, hãy sử dụng một category chính tên là “Mạng xã hội” và thêm các tag chi tiết như “Facebook, Twitter, Google, Zing” vào phần Tag.
Khi nào chúng ta nên sử dung sub-category (category con)?
Chúng ta đều biết rằng nếu chúng ta đăng 1 bài vào sub-category thì tại category chính bài đó vẫn hiển thị. Vì vậy để tối ưu sử dụng sub-category thì các bạn chỉ sử dụng khi muốn mở rộng phạm vi đề cập tới category đó. Giả sử như bạn có một category Thế giới Blogger, bạn đăng một bài nói về Thủ thuật viết blog chuyên nghiệp để phân biệt giữa bài chia sẻ với các bài phân tích thì lúc đó bạn sẽ phải dùng tới sub-category.
Ưu điểm của việc dùng sub-category sẽ biểu lộ rất rõ khi bạn sử dụng Permalinks cho Blog, các liên kết của sub-category có dạng yourexample.com/category/name-category/name-sub-category/ và người dùng có thể truy cập vào category mẹ bằng cách xóa /name-sub-category/ đi. Đồng thời cũng rất có lợi trong việc tối ưu hóa máy tìm kiếm.
Nên hay không sử dụng một bài viết cho nhiều category?
Có một số bài viết nói về SEO trong Blog cho rằng điều này sẽ gây ra tình trạng trùng lặp nội dung, nhưng theo mình nghĩ nó cũng không chắc chắn lắm. Trước tiên bạn đừng nên bị lạc vào cái vòng luẩn quẩn trong thế giới SEO, hãy nhớ rằng mục đích duy nhất và ý nghĩa nhất của category là giúp bạn sắp xếp nội dung để người đọc có thể dễ dàng tìm thấy nó. Nếu bạn cảm thấy cách chia category của bạn là hợp lý thì sử dụng 3 category cho một bài viết cũng không vấn đề gì, tuy nhiên ở đây mình gợi ý cho các bạn nên sử dụng 1 hoặc tối đa là 2 category cho một bài viết mà thôi để các category có thể chứa những bài viết phù hợp nội dung với nó nhất.
Chúng ta có thể sử dụng bao nhiêu tag trong một bài viết?
Câu trả lời của bạn là sử dụng bao nhiêu tag tùy muốn, bạn có thể chèn 1000 tag vào bài viết nếu bạn thấy điều đó là hợp lý và có ích cho người dùng của bạn :D. Tuy nhiên mục đích của Tag là hàn gắn các bài viết liên quan lại với nhau, vì thế hãy chọn lọc những tag có liên quan với nội dung của bạn nhất để người dùng dễ tìm kiếm bài viết. Ví dụ nếu bạn đăng một bài về Đồ ăn ngọt buổi sáng, thì cách đặt tag và category hợp lý ở đây đó là cho bài viết vào category Điểm tâm sáng, sau đó đặt tag cho bài viết là đồ ngọt, buổi sáng. Vì thế theo gợi ý của mình là đừng sử dụng quá 10 tag cho một bài viết, bởi nếu bạn sử dụng quá nhiều tag khác nhau thì chẳng mấy chốc blog của bạn chứa hàng ngàn tag khác nhau với hơn 100 bài viết. Điều này có lợi gì cho người dùng và máy tìm kiếm?
Tag trong Blog có giống với thẻ meta keyword trong HTML không?
Câu trả lời là có thể là có. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người sử dụng càng nhiều tag càng tốt vì họ hy vọng nó sẽ bổ sung vào thẻ meta keyword để tối ưu tìm kiếm. Tuy nhiên điều này chỉ có thể thực hiện được khi bạn sử dụng một số plugin bài viết tự đặt thêm thẻ meta tag dựa vào các tag trong bài viết.
Nhưng đừng quên là thẻ meta keyword giờ đây không còn được Google ưu tiên và chú trọng nữa, vì thế đây chỉ là một sự lựa chọn thêm và hãy sử dụng tag với mục đích là phục vụ người đọc.
Tag và Category – Cái nào SEO tốt hơn?
Câu trả lời đơn giản ở đây là không có cái nào tốt hơn cả mà chỉ tốt hơn khi chúng ta kết hợp sử dụng 2 cái.
Lời kết
Blog của bạn làm ra là để cho con người đọc chứ không phải là bot tìm kiếm. Vì thế đừng bao giờ sử dụng Tag và Category với mục đích là làm cho blog của bạn SEO tốt hơn. Google đủ thông minh để hiểu rằng những nội dung bổ ích trong blog của bạn và sẽ được đánh giá cao khi cách phân loại nội dung của bạn có ích cho người dùng. Hãy sử dụng 2 chức năng này song song với nhau để giúp người dùng dễ dàng tìm ra nội dung họ cần đọc và hãy sử dụng Tag và Category hợp lý, tránh tình trạng blog bạn có hàng trăm Tag khác nhau nhưng mỗi tag chỉ có 2, 3 bài viết.
Hy vọng với bài này bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho riêng mình về việc phân loại nội dung trong blog. Bài viết được tra cứu nhiều nguồn và được mình dịch ra theo kiến thức cá nhân. Nếu bạn thấy bài viết có chỗ nào sai sót, hãy giúp mình bằng cách góp ý thẳng thắn tại phần bình luận để mình điều chỉnh lại tốt hơn. Còn bây giờ, hãy cho mình biết bạn đang sử dụng bao nhiêu tag trong bài viết? Bạn phân chia các category như thế nào?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét